Đình Thần Tân An là một trong những ngôi đình có lịch sử hình thành lâu đời ở Cần Thơ. Đình Thần Tân An chính thức được xây dựng vào năm Canh Thìn 1880 tại khu vực Chợ Giữa, làng Tân An, tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Lúc đầu, Đình được cất bằng cây ván, lợp lá. Đến năm Kỷ Hợi 1899, ngôi đình dời về gần cầu Tham Tướng được xây cất lại bằng gạch ngói khang trang, 8 nóc.

Quan cảnh thực hiện các nghi thức trong Lễ hội Kỳ yên Thượng Điền Đình Thần Tân An năm 2022
Đến năm 2015 Đình Thần Tân An được tái lập với diện tích hơn 6.000 m2, tại vòng xoay cồn Cái Khế, thuộc khu vực phường Cái Khế, quận Ninh Kiều và được xây dựng theo lối kiến trúc của đình Nam bộ, gồm các hạng mục: nghi môn to, đẹp; bức bình phong án ngữ trước đình; bên trái là miếu thờ Thần Nông và miếu Vạn ban Ngũ Hành; bên phải là nhà khách, nhà soạn lễ, võ ca…
Cũng như các ngôi đình khác ở Cần Thơ, ngoài các kỳ tế Tam ngươn, Tứ thời tiết lập… Đình Thần Tân An còn tổ chức hai kỳ lễ lớn trong năm: Kỳ yên Hạ Điền và Kỳ yên Thượng Điền. Lễ Kỳ yên Thượng Điền được tổ chức vào tháng 11 âm lịch; Kỳ yên Hạ Điền được tổ chức vào tháng 4 âm lịch.
Lễ hội Kỳ yên Thượng Điền Đình Thần Tân An năm 2022 diễn ra trong 03 ngày từ 11 - 13 tháng 12 (nhằm ngày 18 - 20 tháng 11 âm lịch), với các nghi thức như thỉnh Linh Thần du ngoạn, Chánh tế, Tế Thần Nông, Xây chầu Ðại bội… Ðặc biệt, Ban Quản lý Ðình Thần Tân An còn rước đoàn hát tuồng cổ về để biểu diễn phục vụ bà con, các lễ nghi trong Kỳ yên Thượng Ðiền được thực hiện theo đúng cổ lệ, trang nghiêm, thu hút nhiều bà con và du khách đến chiêm bái.
Lễ hội Kỳ yên ở hệ thống các đình làng nói chung và ở Đình Thần Tân An nói riêng là loại hình tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Đô. Là một trong những ngày lễ hội tín ngưỡng lớn ở miền Tây nhằm chiêm bái các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, các vị Anh hùng dân tộc có công khai hoang, mở đất, xây dựng và giữ gìn quê hương đất nước, nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người dân, lễ hội còn góp phần giáo dục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước, là một “bảo tàng” phong phú về đời sống tinh thần, văn hóa dân tộc, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của nhiều thế hệ người dân địa phương. Thông qua hoạt động của lễ hội đã tạo cơ hội cho mọi người dân tìm về những giá trị văn hóa truyền thống, đây cũng là một hình thức giáo dục thế hệ trẻ biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.