Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Đông Hiệp luôn quan tâm triển khai, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, phát huy được sức mạnh nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần phấn đấu xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.

Đồng chí Huỳnh Mười Một, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ thăm vườn cam xoàn của anh Lê Quang Vinh hội viên nông dân ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: Ngọc Thẩm
Ngay từ đầu năm Khối Dân vận xã Đông Hiệp chủ động xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trọng tâm là trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Bên cạnh đó, Khối Dân vận phối hợp các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, các tổ dân vận các tổ chức triển khai, quán triệt rộng rãi phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến các ngành, các ấp. Kết quả, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ấp đăng ký được 28 mô hình trong đó có 15 mô hình trên lĩnh vực kinh tế.
Để xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, trọng điểm là phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn góp phần thực hiện
thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/HU Cờ Đỏ về phát triển kinh tập thể, kinh tế vườn. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân từng bước chuyển đổi từ việc cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế. Đồng thời từng bước thực hiện trồng xen canh giữa cây ăn trái kết hợp với hoa màu nhằm tận dụng tối đa về diện tích cây trồng góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Nhờ tích cực tuyên truyền, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của ban chỉ đạo, nhiều hộ trồng cây ăn trái ở Đông Hiệp đã thực hiện trồng xen canh và đa dạng các loại cây trồng góp phần phục vụ tốt thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay toàn xã đã có trên 1.624,66ha đất nông nghiệp, trong đó có 95,37ha đất trồng cây ăn trái xen canh với các cây trồng ngắn ngày cho thu nhập cao.
Qua thời gian vận động tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua mô hình “Dân vận khéo” có nhiều tập thể, cá nhân thực hiện đã mang lại cho địa phương nhiều mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thương hiệu cho xã Đông Hiệp. Tiêu biểu là mô hình của anh Nguyễn Văn Kha đoàn viên Chi đoàn ấp Thới Hữu. Anh đã từng bước nâng chất mô hình trồng cây ăn trái xen canh trồng hoa màu và thả nuôi thủy sản. Với diện tích 1,5ha anh tập trung trồng xoài xen cóc thái và cây hạnh, dưới ao thả nuôi thủy sản. Đến nay mô hình đã phát triển hơn 3 năm, mỗi năm thu hoạch xoài đạt trên 25 tấn giá xoài bình quân 18 ngàn đồng/kg, cóc thái trên 2 tấn và hạnh trên 500kg, giá cóc và hạnh trung bình 5 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm lợi nhuận từ mô hình trên 200 triệu đồng. Mô hình mang tính chất bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen 3 năm liền. Mô hình nâng chất, duy trì trồng cam xoàn thâm canh, diện tích 15.000m2 với 1.000 gốc cam xoàn của anh Lê Quang Vinh Hội viên Nông dân ấp Đông Phước. Kết quả thu hoạch được 10 tấn Cam, giá bán 23 ngàn đồng/kg, tổng số tiền bán cam là 230 triệu đồng, trừ chi phí đầu vào, còn lãi 180 triệu đồng. Bên cạnh, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, anh thường xuyên chia sẽ kinh nghiệm chăm sóc cam xoàn đến bà con nông dân trên địa bàn. 05 năm liền được khen thưởng cấp huyện. Đối với anh Lê Văn Giỏi Hội viên Nông dân ấp Đông Lợi trồng cây ăn trái (mận hồng đào đá 1,2ha). Đến nay anh đã thu hoạch 04 đợt, mỗi đợt thu hoạch từ 08 - 10 tấn, tổng thu khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 120 triệu đồng. Địa phương đang hỗ trợ anh Vinh đăng ký nhãn hiệu cho cam xoàn, để có điều kiện để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Với hội viên Danh Văn Hiền hội viên nông dân ấp Đông Phước trồng dưa hấu dưới chân ruộng (dưa hấu thâm canh), diện tích 25.000m2, 3 vụ/năm. Kết quả thu hoạch 03 vụ, mỗi vụ thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn/vụ/công, giá bán dao động từ 5 - 6 ngàn/kg, tổng thu 412 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 250 triệu đồng. Chị Phan Thị Thu Nga hội viên Hội phụ nữ ấp Đông Thạnh trồng nhãn iđo và nuôi heo sinh sản. Với diện tích 13.000m2 trồng nhãn Ido với 400 cây. Hiện nay nhãn Ido đã thu hoạch 15 tấn nhãn, tổng số tiền là 225 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư lợi nhuận thu được 162 triệu đồng. Được hướng dẫn kỷ thuật chăm nuôi chị đã mạnh dạng đầu tư nuôi 06 con heo nái sinh sản để bán heo con thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng. Hiện nay tiếp tục mở rộng thêm nuôi heo bán lấy thịt và đang trong quá trình thực hiện và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sang các hộ lân cận.
Có thể nói mô hình Chi bộ ấp Đông Thạnh trong vận động Nhân dân tham gia cánh đồng lớn. Diện tích 500ha. Kết quả vụ Đông Xuân và Hè Thu có 146 hộ tham gia vào cánh đồng lớn, năng suất bình quân vụ Đông Xuân 6,5 tấn/ha, vụ Hè Thu 5,5 tấn/ha, được Tập đoàn Lộc Trời cung cấp nguồn giống chất lượng cao, vật tư nông nghiệp, đồng thời bao tiêu giá của 02 vụ Đông Xuân và Hè Thu dao động từ 5,6 - 6,2 ngàn/kg, cao hơn thị trường bên ngoài từ 50 đồng đến 150 đồng/kg lúa tươi, lợi nhuận của nông dân tăng lên từ 2,5 - 3 triệu/ha/năm. Từ đó nông dân phấn khởi với mô hình liên kết tham gia vào cánh đồng lớn, thu nhập được tăng lên, đảm bảo được đầu ra của sản phẩm, không bị thương lái ép giá, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về thu nhập.
Trong năm 2022 đơn vị xã Đông Hiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng 5 mô hình và công nhận 02 mô hình cấp huyện.
Có thể thấy phong trào thi đua Dân vận khéo đã trở thành phong trào mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phát huy những kết quả đã đạt được, xã Đông Hiệp tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung của mô hình “Dân vận khéo”, trọng tâm là nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.