Nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 45km, quận Thốt Nốt vừa có vị trí địa lý thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thủy. Là địa phương không chỉ có tiềm năng phát triển kinh tế mà nơi đây còn có những địa điểm du lịch thú vị thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, trong đó có thể nói đến những địa điểm như Vườn Cò bằng Lăng, du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc,… Đặc biệt, nơi đây còn có những làng nghề truyền thống được người dân địa phương giữ gìn qua bao thế hệ, đó chính là Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhưng vẫn được người dân nơi đây duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt,
Ảnh: Ban Dân vận Quận ủy Thốt Nốt.
Lúc trước nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt chỉ nhộn nhịp hơn hẳn khi đến những ngày giáp tết, nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, không chỉ những ngày tết mà hầu như ngày nào cũng vậy, nơi đây luôn “đỏ lửa” quanh năm chỉ để tạo ra những cái bánh ngon vừa mang nét đẹp truyền thống vừa phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của người dân hiện nay. Được hình thành và phát triển trên 200 năm, nhiều thế hệ người dân từ già đến trẻ đều tiếp nối và giữ gìn nghề truyền thống này. Từ công đoạn chọn nguyên liệu đến khâu làm bột, tráng bánh, phơi bánh,… từ đó làm nên những loại bánh tráng ngon và chất lượng hiện nay, tiêu biểu như: bánh tráng mặn, bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa,… đã mang lại nét đẹp văn hóa đặc trưng trên địa bàn phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt.
Hiện nay do nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cũng từng bước phát triển khá tốt, nhiều hộ sản xuất bánh tráng đã tham gia học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như Nghệ nhân Hà Thị Sáu đã đầu tư dây chuyền tráng bánh bằng máy với khoảng 200 triệu đồng để mua một máy tráng bánh ngọt và một máy tráng bánh mặn, một ngày trung bình tráng hơn 10.000 cái bánh, nghệ nhân Hà Thị Sáu, phường Thuận Hưng chia sẻ: “Tuy nghề làm bánh tráng có nhọc công, vất vả, nhưng có việc làm quanh năm, đặc biệt là vào đầu tháng chạp lượng bánh tiêu thụ rất mạnh, so với ngày thường thì một ngày gia đình tôi làm khoảng 120 - 130kg gạo nhưng trong tháng giáp tết sẽ dao động từ 180-200kg gạo, giá bánh thì vẫn như ngày thường nhưng cũng tạo điều kiện cho nhiều nhân công có thêm thu nhập, tạo việc làm ổn định hơn”.
Còn đối với gia đình bà Huỳnh Thị Giáo, ngụ tại khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng bắt đầu công việc tráng bánh từ lúc 3 giờ sáng, gắn bó với nghề làm bánh tráng khoảng 30 năm qua, nghề này đã giúp cho vợ chồng bà có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình để trang trải cuộc sống và nuôi các con khôn lớn. Trong mùa Tết nguyên đán vừa qua, cơ sở của bà Giáo đã làm 4.000 cái bánh tráng, sau khi trừ chi phí thì gia đình lời khoảng 500.000 đồng mỗi ngày, bà Huỳnh Thị Giáo, cho biết: “Trong dịp tết năm nay, gia đình tôi mướn thêm khoảng 3 người nhân công cùng gia đình thực hiện các công đoạn tráng bánh, phơi bánh để kịp thực hiện các đơn hàng cung cấp cho người tiêu dùng”.
Trên địa bàn phường Thuận Hưng hiện nay có khoảng 58 hộ sản xuất bánh tráng tập trung tại 3 khu vực Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh, trong đó có 53 lò sản xuất bánh tráng thủ công và 5 lò người dân tự đầu tư công nghệ sản xuất, đồng thời cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân phường Thuận Hưng cho biết, địa phương cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ tráng bánh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội của quận để mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm trang thiết bị công nghệ vào sản xuất bánh tráng. Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ cho các hộ tham gia hội thi tay nghề tại lễ hội bánh dân gian Nam bộ hằng năm và các điểm du lịch trên địa bàn của thành phố. Hướng dẫn cho các hộ để đăng ký lại các sản phẩm Ocop. Đến nay, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký quyết định về việc đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.