Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Ocop), thời gian qua, quận Ô Môn đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Quận Ô Môn hiện có 2 sản phẩm Ocop được thành phố công nhận đạt 4 sao gồm: giá sạch Hồng Nhung của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung và nước mắm cá sặc Tư Hon của hộ kinh doanh Trần Văn Hoan.

Sản phẩm giá sạch Hồng Nhung và nước mắm cá sặc Tư Hon trưng bày tại sự kiện kết nối sản phẩm Ocop của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Tuyết Trinh.
Với đặc tính dễ dập, khó bảo quản cùng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao, nên không nhiều người tổ chức sản xuất kinh doanh giá sạch thành công với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, giá sạch Hồng Nhung của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung ở phường Phước Thới, quận Ô Môn đã làm được điều này. Sau hơn 10 năm nối tiếp nghề làm giá truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung đã thành công áp dụng công nghệ ủ bồn của Nhật Bản thay vì ủ bằng lu sành như trước đó.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ: Sản xuất giá theo kiểu truyền thống mất nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều diện tích nhưng sản lượng giá không cao. Nếu không tìm hướng phát triển mới, sẽ khó trụ được với nghề, từ đó, chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu và biết đến cách ủ giá hiện đại theo công nghệ của Nhật Bản, ủ giá trong bồn. Nửa năm đầu áp dụng công nghệ mới, các mẻ giá làm ra đều bị hư. Thất bại nhưng không bỏ cuộc, chị mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun sương và điều hòa để duy trì nhiệt độ ổn định từ 25 - 300C cho giá đạt năng suất cao. Đến đầu năm 2018, chị đã thành công với mô hình sản xuất giá theo quy trình công nghệ tiên tiến. Giá đậu được ủ đúng quy trình, sẽ rút ngắn được thời gian ủ giá đỗ từ 5 ngày xuống còn 4 ngày so với cách làm truyền thống, năng suất giá cũng tăng cao hơn, 1 bồn có thể cho ra thành phẩm từ 140 -150kg giá.
Với sự khác biệt về quy trình sản xuất, sản phẩm giá sạch Hồng Nhung đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị Nhung đã xúc tiến việc in bao bì, lấy mẫu đề nghị cơ quan chức năng test thử mẫu sản phẩm. Giá sạch Hồng Nhung hiện đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, tạo điều kiện để sản phẩm chiếm lĩnh được các thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm. Chị Nhung cho biết thêm, sắp tới, cơ sở sẽ tiếp tục triển khai cung ứng sản phẩm rộng trên thị trường, vươn ra ngoài nước. Đồng thời, chị cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các hộ nông dân khác học tập, nhân rộng các mô hình sản xuất giá sạch, đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Thành lập năm 1977, tất cả sản phẩm của Cơ sở nước Mắm Tư Hon ở phường Thới An, quận Ô Môn bao gồm: nước mắm và các sản phẩm chuyên về mắm như mắm cá, dưa mắm… đều mang hương vị xưa. Trong đó, phải nhắc đến nước mắm truyền thống chế biến từ cá sặc được chắt lọc tỉ mỉ, trải qua quá trình ủ chượp cùng công thức gia truyền đã tạo ra hương vị đặc trưng. Sau khi nấu chín, nước mắm được xử lý qua giàn lọc trong một thời gian dài. Việc lọc kỹ sẽ cho ra thương hiệu nước mắm thơm ngon, tròn vị, đặc trưng cá đồng, nước mắm sánh và có màu nâu cánh gián đúng điệu. Nước mắm cá sặc Tư Hon được sản xuất trên dây chuyền mới, nâng cao cả chất lượng và số lượng dù vẫn giữ nguyên công thức gia truyền. Sản phẩm còn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có nhiều quy cách đóng gói nhằm đáp ứng phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người dùng.
Chị Trần Thị Mỹ Phương, chủ cơ sở nước mắm Tư Hon, chia sẻ: Sản phẩm nước mắm cá sặc được thành phố Cần Thơ công nhận sản phẩm Ocop đạt 4 sao. Đây là tiền đề quan trọng để cơ sở tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị trí trên thị trường. Hiện nay, cơ sở đang mở rộng nhiều kênh phân phối qua các đại lý, tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới mẫu mã, giữ giá thành ổn định đến người tiêu dùng…
Góp phần nâng cao giá trị, tạo thương hiệu sản phẩm địa phương và thúc đẩy thực hiện chương trình Ocop, quận Ô Môn tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong năm 2022, có thêm 13 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình của 5 chủ thể bao gồm: nhãn Ido, kẹo đậu phộng, kẹo mè, kẹo mè đen gạo lứt, kẹo đậu phộng gạo lứt, cơm cháy chà bông rong biển muối mè, cơm cháy gạo lứt chà bông, cốm dứa, nước mắm nhỉ Tư Hon, nem chua, bánh trung thu, bánh hạnh nhân và bánh tai heo.
Xác định Ocop là chương trình mang tính dài hạn, thời gian tới, quận Ô Môn sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các chủ thể sản phẩm Ocop xây dựng sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc, đặc trưng và tính bền vững. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng bao bì, tem, nhãn mác... Hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa các sản phẩm Ocop đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn. Bên cạnh đó, quận hỗ trợ các sản phẩm Ocop tham gia xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường để mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động đến các chủ thể, đưa sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào Ocop...
Với những giải pháp đồng bộ, bám sát đặc điểm địa phương, quận Ô Môn sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong thực hiện chương trình Ocop. Qua đó, vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.